Nguyên nhân bánh mì có nguy cơ gây ngộ độc

Google News

Bánh mì cũng giống như những thực phẩm khác, nếu nguồn nguyên liệu không đảm bảo an toàn, chế biến và bảo quản sai cách sẽ khiến thực phẩm nhiễm khuẩn, tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm cho người dùng.

Tính đến trưa ngày 3/5, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai ghi nhận 487 ca ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại cơ sở bánh mì Băng. Các bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Cao su Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, phòng khám Đa khoa Ái Nghĩa và Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Trong số đó, có 2 ca bệnh nhi tiên lượng nặng, 2 ca tiên lượng rất nặng, phải thở máy kết hợp lọc máu. Vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn đang được Sở Y tế điều tra, ghi nhận những vấn đề liên quan.
Thực tế, đây không phải vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn đầu tiên liên quan đến bánh mì thịt được ghi nhận. Gần đây nhất, tháng 9/2023, 141 trường hợp ngộ độc thực phẩm phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn bánh mì Phượng nổi tiếng ở Hội An (Quảng Nam). Hầu hết bệnh nhân đều có triệu chứng sốt cao, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy,... Rất may không có trường hợp biến chứng nặng.
Trước đó, tháng 3/2022, Phòng y tế TP. Đà Lạt ghi nhận 133 ca ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Liên Hoa (Đà Lạt). Cơ quan chức năng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đối với đại diện cơ sở kinh doanh.
Nguyên nhân bánh mì gây ngộ độc thực phẩm
Bánh mì là món ngon, quen thuộc với nhiều người. Bánh được làm từ bột, trộn với nước rồi nướng lên. Khi ăn, bánh thường kèm phần nhân gồm thịt, chả, pate, giăm bông, xúc xích, lạp xưởng, trứng, rau thơm, dưa góp, tương ớt, nước sốt,... tùy theo khẩu vị mỗi người.
Nguyen nhan banh mi co nguy co gay ngo doc
Bánh mì có phần nhân gồm rau sống, pate, trứng ốp chưa chín kĩ, thịt nguội,... Đây đều là những thực phẩm có nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm. Chỉ cần chế biến, bảo quản không đúng cách, vệ sinh kém là có thể gây ra những vụ ngộ độc quy mô lớn. Ảnh minh họa.
Bánh mì cũng giống như những thực phẩm khác, nếu nguồn nguyên liệu không đảm bảo an toàn, chế biến và bảo quản sai cách sẽ khiến thực phẩm nhiễm khuẩn, tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm cho người dùng.
Theo Mayoclinic.org, thực phẩm có thể bị nhiễm khuẩn bất kỳ thời điểm nào từ trang trại đến bàn ăn. Vấn đề có thể bắt đầu trong quá trình trồng trọt, thu hoạch, đánh bắt, chế biến, bảo quản hoặc vận chuyển. Ngay cả khi nguồn cung đảm bảo, thực phẩm vẫn có thể nhiễm khuẩn thông qua ba cách sau:
- Chế biến không đúng cách: Sử dụng thực phẩm sống, chưa chín kĩ từ động vật bao gồm thịt bò, gà, trứng, cá, các sản phẩm là từ sữa, hải sản, rau sống, trái cây,...
- Bảo quản không đúng cách. Thực phẩm nên được bảo quản ở nhiệt độ dưới 5°C. Thực phẩm để quá lâu ở nhiệt độ phòng có thể bị nhiễm khuẩn. Ngay cả khi được để trong tủ lạnh, thực phẩm để quá lâu, quá hạn sử dụng cũng có thể gây hại.
- Vệ sinh kém. Không khử trùng khu vực nấu ăn hoặc ăn uống. Dao thớt hoặc các dụng cụ nhà bếp khác chưa rửa có thể khiến vi khuẩn lây lan. Ngoài ra, đầu bếp không khỏe hoặc vệ sinh kém khi xử lý thực phẩm cũng có thể là nguồn lây truyền các vi khuẩn có hại.
Healthdirect.gov.au cũng chỉ ra những thực phẩm có nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm gồm thịt, thịt băm chưa nấu chín, thịt cuộn, thịt tạo hình hoặc làm mềm; trứng sống hoặc chưa chín kĩ, thịt nguội (xúc xích, giăm bông), salad và trái cây chuẩn bị sẵn,... Điều đáng bàn, đây đều là những thực phẩm thường được sử dụng làm nhân bánh mì. Quá trình chế biến, bảo quản không đúng cách làm tăng nguy cơ gây nên những vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Hướng dẫn xử trí ngộ độc thực phẩm tại nhà

Nguồn video: Vinmec


Định Tâm (tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)